Stt về cuộc sống: Lần ứng tuyển của người từng làm việc tại 18 công ty phá sản
Một công ty lớn tuyển mộ nhân sự và số người ứng thí rất đông. Họ đều có bề dày kinh nghiệm và có bằng cấp, học vị đáng kính nể. Qua ba vòng thi tuyển chỉ còn lại 11 người lọt vào vòng cuối cùng cho sáu vị trí quan trọng của công ty do chính tổng giám đốc và những nhân vật cao cấp trong công ty trực tiếp phỏng vấn.
Khi vị tổng giám đốc phát hiện có đến 12 người tham dự, ông hỏi: "Ai trong số các vị đã không lọt qua các vòng tuyển chọn trước đó?”. "Thưa ông, tôi" - một chàng trai đứng dậy nói - "Tôi bị loại ngay từ vòng đầu nhưng tôi tin mình có thể trúng tuyển nên vẫn muốn thử sức ở vòng cuối cùng này".
Mọi người trong phòng đều bật cười, kể cả ông già lo việc trà nước đứng ở phía cửa ra vào. Ông tổng giám đốc vừa ngạc nhiên, vừa tò mò hỏi tiếp: "Anh đã bị loại từ vòng đầu, vậy hôm nay anh tới đây có nghĩa gì?"."Tôi chỉ tốt nghiệp đại học và là một nhân viên bình thường nhưng tôi có 11 năm kinh nghiệm làm việc, đã từng làm cho 18 công ty" - rất tự tin, chàng trai trả lời.
"Bằng cấp, học lực và chức vụ của anh đều ở mức trung bình với 11 năm kinh nghiệm làm việc tại 18 công ty khác nhau đúng là điều đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên với tư cách là nhà tuyển dụng, chúng tôi không thích điều này" - Ông tổng giám đốc ngắt lời.
"Thưa ông, tôi không hề chuyển công ty mà tại vì 18 công ty tôi đã từng làm việc đều... phá sản" - chàng thanh niên vẫn trả lời tỉnh bơ.
Lần này thì cả khán phòng cười ồ. Có tiếng bình phẩm từ phía trên: “Cậu ta đúng là người xui xẻo”. Nhưng chàng trai nói tiếp: "Tôi cho rằng đó mới chính là điểm mạnh của riêng tôi mà không phải ai trong quí vị ở đây cũng có được".
Cả phòng lại ồn ào lên. Lúc này, ông già phục vụ nước tiến đến bàn chủ tọa và rót nước cho các vị lãnh đạo trong hội đồng giám khảo.
Chàng trai tiếp tục: "Tôi hiểu rất rõ 18 công ty đó bởi tôi đã từng cùng những đồng nghiệp của mình chung lưng đấu cật để kéo chúng khỏi bờ vực phá sản. Tuy không thành nhưng tôi đã học được rất nhiều từ những sai lầm khiến công ty thất bại. Đa số chúng ta thường thích tìm hiểu và học hỏi những kinh nghiệm để thành công, nhưng khác với quí vị, tôi chắc chắn có nhiều kinh nghiệm hơn người khác ở chỗ biết làm thế nào để tránh sai lầm và thất bại. Tôi biết chắc những kinh nghiệm để thành công thường có những điểm tương đồng nhưng lý do để dẫn đến thất bại thì luôn khác nhau. Thật sự rất khó biến kinh nghiệm thành công của người khác thành của cải của chính mình, nhưng chúng ta lại rất dễ phạm sai lầm của kẻ khác".
Nói xong, chàng trai đứng dậy tỏ ý muốn đi ra khỏi phòng. Ông phục vụ già lại đứng lên rót nước cho ông tổng giám đốc. Bất ngờ chàng trai quay đầu lại mỉm cười rồi nói với ông tổng giám đốc: "11 năm với 18 công ty khác nhau cho phép tôi có sự quan sát và óc phân tích về người và việc. Vì vậy, tôi biết rõ vị giám khảo thật sự của ngày hôm nay không phải là ông mà chính là ông già lao công, phục vụ nước".
Cả 11 thí sinh trong phòng đều ngạc nhiên nhìn về phía người phục vụ già với ánh mắt hoài nghi. Lúc này, ông già lao công mỉm cười hài lòng và nói: "Giỏi! Anh sẽ là người đầu tiên được nhận vào làm việc tại công ty chúng tôi."
Stt hay về cuộc sống: Đam mê là 99% chịu đựng, cố gắng và vươn lên
Tôi thấy người trẻ hay nói về mong muốn tìm kiếm con đường của đời mình. Nhưng sự thật là họ chỉ ngồi một chỗ kêu chán chứ chẳng ai tự mình đi tìm lời đáp cho câu hỏi ấy.
Tôi còn nhớ trong cuốn “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của Murakami đoạn đầu có kể lại việc tác giả phỏng vấn một vận động viên Marathon có tiếng về chuyện nản lòng. Bản thân tác giả cũng là một người gò mình vào kỷ luật của việc chạy bộ và ông cũng trải qua cảm giác nản lòng giống hệt như những người chạy khác. Thế nhưng, Murakami vẫn muốn hỏi một vận động viên đẳng cấp quốc tế rằng ông ta có nản lòng không mỗi khi phải thức dậy vào sáng sớm, khi cơ bắp vẫn còn nhức mỏi, còn ngoài trời thì mưa rét cóng buốt. Người ấy đã trả lời là:
“Có chứ. Ngày nào tôi cũng nghĩ như thế.”
Điểm khác biệt nằm ở chỗ ông ấy vẫn tiếp tục vượt qua chúng rồi một ngày trở thành vận động viên Marathon vô địch thế giới.
Được làm một công việc mà bạn yêu thích chẳng hề khiến mọi thứ dễ dàng hơn. Đam mê cũng không phải gậy chỉ đường của Doraemon để lúc nào cũng nói cho bạn biết rằng ngày mai mình sẽ làm gì. Chỉ có ý chí quyết tâm mới giúp bạn bứt được khỏi cảm giác chạm ngưỡng (hit the wall) ấy.
Đến một lúc, vượt qua được giới hạn của bản thân dần trở thành một cảm giác gây nghiện. Rồi từ ấy, bạn có cơ hội để làm được những điều khác biệt.
Đam mê, với tôi, từ khi còn trẻ, vẫn luôn là 99% chịu đựng, cố gắng và vươn lên. Trong đó chỉ có 1% duy nhất là khoái cảm. Sau này tôi cũng bất ngờ khi được biết từ “đam mê” (passion) có gốc là động từ patère trong tiếng Latin có nghĩa là “chịu đựng” (suffer).
Bạn đã biết điều này chưa?
Bản thân tôi thì nghĩ, chúng ta vốn đã đang đi con đường của đời mình, chỉ là mọi người đang đứng trước ngã rẽ với nhiều lựa chọn. Trong đời người, chẳng thứ gì quyền lực nổi bằng “lựa chọn”.
Biết đâu là cái giá đáng trả thì sẽ có cuộc đời đáng sống.
Stt hay về cuộc đời: Lời khuyên về sự đam mê, dấn thân mà CEO Starbuck dành cho con trai
Ngay từ nhỏ, CEO Starbucks là Howard Schultz có một ước mơ lớn lao là xây dựng nên một công ty cà phê. Giấc mơ đó của ông đã trở thành hiện thực với thành công mang tầm quốc tế của Starbucks. Tuy nhiên ít ai biết rằng đã có những lúc Schultz gần như muốn từ bỏ ước mơ này.
Trong chương trình “Talk To Me” của tờ HuffingtonPost, Howard đã có cuộc trò chuyện cởi mở cùng với con trai mình là Jordan Schultz - người hiện là biên tập viên thể thao cho tờ báo này.
Mở đầu cuộc trò chuyện, Howard nhớ lại kỷ niệm một vài năm trước, khi vợ của ông là Sheri Schultz bất đắc dĩ phải trở thành lao động chính trong gia đình lúc đang mang bầu tháng thứ 7. Lúc này, để theo đuổi giấc mơ, Howard đã phải làm việc không lương tại một công ty cà phê nhỏ.
Trước hoàn cảnh đó, bố vợ của Howard thậm chí đã yêu cầu gặp riêng ông để trò chuyện một cách thẳng thắn, tôn trọng và nghiêm túc về việc “Đã đến lúc con phải từ bỏ sở thích cà phê và tìm cho mình một công việc rồi đó”.
Howard nhớ, ông đã khóc và nói rằng những lời của cha vợ thật sự khiến ông bối rối. Tuy nhiên, sau khi Howard chia sẻ cùng vợ mình, mọi chuyện đã khác.
“Cô ấy nói rằng chúng ta đang cùng nhau theo đuổi giấc mơ của anh. Chúng ta sẽ cùng vượt qua và tiếp tục kiên trì làm điều đó”. Howard nói rằng những lời nói đó của vợ ông thật sự quan trọng. “Nếu cô ấy không ủng hộ, có lẽ tôi đã không được như ngày hôm nay”.
Chính khoảnh khắc đó đã thúc đẩy ông khuyến khích các con theo đuổi đam mê của họ thay vì nối gót công việc kinh doanh của ông.
Howard nói với con trai rằng: “Cha đã chứng kiến nhiều đứa trẻ của những bậc cha mẹ thành công tiếp tục công việc kinh doanh của gia đình. Tuy nhiên cha nghĩ rằng sẽ là quá áp lực với cả con và chị gái của con nếu bị ép buộc phải vào làm việc ở Starbucks. Dĩ nhiên chúng ta sẽ luôn ở bên và giúp đỡ con nếu cần, nhưng cha luôn khuyến khích con theo đuổi ước mơ, đam mê của chính mình và thực hiện chúng thật thành công”.
Kết thúc cuộc trò chuyện, người cha đáng ngưỡng mộ này còn gửi tới con trai của mình một lời khuyên đáng giá khác: “Đừng trở thành một người bàng quan với cuộc sống của chính mình, hãy đam mê, dấn thân và tạo ra sự khác biệt”.
Chuyên Mục:
cau-chuyen-cuoc-song
cuoc-song
stt-hay-ve-cuoc-song